Nội dung Quan Âm Thị Kính (truyện thơ)

Truyện cốt tả đức từ bi nhẫn nhục của bà Thị Kính để lý giải vì sao bà hóa Quan Âm.

Tượng Quan Âm an tọa, chùa Sẻ, Hiệp Hạ, Hà Nội.
  • Hồi I: Thị Kính phải oán lần đầu và đi tu (câu 001→370)

Xưa ở xứ Cao Ly có sư ông đắc đạo sắp thành Phật. Đức Thích Ca bèn thử lần chót, mới cho đầu thai làm cô Thị Kính con Mãng ông nghèo hèn nhu nhược nhất làng. Sau Thị Kính được gia đình gả cho anh học trò Thiện Sĩ con họ Sùng khá nhất làng bên. Một hôm, Thiện Sĩ học khuya, mệt quá mà thiếp đi. Thị Kính đang ngồi khâu áo thì thấy cằm chồng có cái râu mọc ngược, vớ dao toan cắt đi. Chồng giật thột tỉnh giấc, sinh bụng ngờ vợ hãm hại mình, bèn tri hô. Sùng ông Sùng bà trong buồng chạy ra, gán ngay cho thị tội sát chồng hòng kiếm nàng dâu con nhà phú quý hơn. Thị Kính bị đánh mắng rồi đuổi về với cha mẹ, phẫn chí mới giả trai xin vào chùa Vân tu hành, được ban pháp danh Kính Tâm.

  1. Phật tổ
  2. Thị Kính
  3. Thiện Sĩ
  4. Mãng ông
  5. Sùng ông
  6. Sùng bà
  • Hồi II: Thị Kính phải oán lần hai và hoàn tục (câu 371→692)

Vùng ấy có ả Thị Mầu con phú ông sẵn tính lẳng lơ. Một hôm đội oản lên chùa, Mầu nom tiểu Kính Tâm rồi thốt mê, nhưng dầu ả ra sức ghẹo mà sư vẫn làm ngơ. Vì đưa tình không được, ả sinh quẫn, mới mắc tội hủ hóa với thằng nô. Việc đến tai hào lý, làng bèn điệu Mầu ra đình tra khảo, cũng để lấy cái phần bắt vạ ăn khoán. Nhân đấy, ả đổ riệt cho tiểu Kính Tâm. Kính Tâm bị chức dịch phạt đòn, ép phải nuôi lấy đứa con rơi. Sư cụ vì sợ điều tiếng mà đuổi Kính Tâm khỏi tam quan.

  1. Tiểu Kính Tâm
  2. Thị Mầu
  3. Thằng nô
  4. Phú ông
  5. Mẹ đốp
  6. Xã trưởng
  7. Đồ điếc
  8. Bói mù
  9. Hương câm
  10. Sư cụ
  • Hồi III: Thị Kính tẩy oán và hóa kiếp (câu 693→786)

Đẻ được đứa con trai xong, Thị Mầu đem vứt trước cổng chùa. Tiểu Kính Tâm nhận về nuôi, hàng ngày đi xin sữa cho nó ăn. Được ba năm khi đứa trẻ chập chững, Kính Tâm lao lực quá mà mất, lúc hấp hối còn kịp để một bức thư cho cha mẹ. Xem thư, người nhà mới hay những oan khiên, bèn xin chùa lập đàn chay cầu đảo. Lúc liệm thi hài, tăng ni mới vỡ lẽ Kính Tâm là phận gái. Đức Thích Ca xét Kính Tâm đã tu thành chính quả, bèn cho siêu thăng làm Quan Âm, tục gọi Quan-âm Thị-Kính.

  1. Tiểu Kính Tâm
  2. Thị Mầu
  3. Mãng ông
  4. Sư cụ
  5. Phật tổ
  6. Đứa bé